Các quy định về điều động nhân viên bảo vệ di chuyển nơi làm việc

CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU ĐỘNG NHÂN VIÊN BẢO VỆ

Nếu bạn đang làm bảo vệ, chắc rằng bạn đã từng làm việc ở một vài Mục tiêu khác nhau. Nhiều bạn thắc mắc tại sao không để cho tôi làm việc ổn định ở nơi? Có bạn hỏi: – Tôi muốn xin đi Mục tiêu khác có được không? Ai là người có quyền điều động nhân viên bảo vệ từ Mục tiêu này sang Mục tiêu khác? Nhân viên bảo vệ có được từ chối lệnh điều động hay không? Cùng lúc làm việc ở 2 khu vực khác nhau,  2 Chỉ Huy/Nhân Sự khác nhau – vậy thì ai sẽ là người quản lý? … tất cả đều có trong bài Các Quy định về điều động Nhân Viên Bảo vệ.

Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về:

  • 1) Quy định về điều động Nhân Viên Bảo vệ di chuyển mục tiêu làm việc
  • 2) Quy định về Mượn nhân viên giữa các Chi nhánh hoặc các Khu vực
  • 3) Quy định về Một nhân viên làm việc giữa hai Chi nhánh hoặc hai Khu vực khác nhau

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU ĐỘNG NHÂN VIÊN BẢO VỆ

Điều động nhân viên bảo vệ là hoạt động di chuyển nhân viên bảo vệ từ nơi làm việc này sang nơi làm việc khác. Nơi làm việc của bảo vệ là nơi khách hàng thuê dịch vụ, thường được gọi là “Mục tiêu”. Việc điều động được thực hiện bởi người có thẩm quyền theo Quy chế, Quy định của Công ty Dịch Vụ Bảo Vệ Phát Minh Vượng. Hình thức điều động có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản là “Lệnh Điều Động”. Việc điều động nhân viên bảo vệ là nhằm mục đích phục vụ cho khách hàng, mang lại giá trị, hiệu quả cho công ty.

Khi điều động phải dung hòa giữa nhu cầu công việc và quyền lợi của Nhân viên bảo vệ. Không được điều động Nhân viên bảo vệ đang được khách hàng hài lòng muốn giữ ở lại. Không lợi dụng quyền điều động để trù dập cá nhân. Nhân viên bảo vệ phải có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh sự điều động đúng đắn bởi người có thẩm quyền.

Khi đến Mục tiêu mới, các Nhân viên bảo vệ có thể phải dành thời gian học việc và tìm hiểu công việc. Xin tham khảo bài viết: Quy định về học việc và tìm hiểu công việc tại Mục tiêu

Những trường hợp Nhân viên bảo vệ phải điều động di chuyển nơi làm việc

1). Do khách hàng yêu cầu thay đổi Nhân viên bảo vệ

2). Do Nhân viên bảo vệ vi phạm Quy chế, Quy định, Nội Quy của Công ty hoặc Khách hàng,

3). Do yêu cầu cho sự phát triển công ty như triển khai Mục tiêu mới,

4). Do yêu cầu hỗ trợ cho các Mục tiêu trong những lúc cần thiết

5). Do nhu cầu cơ cấu, sắp xếp lại nhân sự trong Mục tiêu, Khu vực, Chi Nhánh

6). Đáp ứng theo nguyện vọng của nhân viên bảo vệ,

Tham khảo thêm: Những quy định khi Nhân viên Bảo Vệ làm việc tại các Mục tiêu

Thẩm quyền điều động nhân viên bảo vệ

Đội Trưởng quản lý nhiều Mục tiêu có quyền điều động các nhân viên trong các Mục tiêu mà mình quản lý. Đội trưởng này được phép di chuyển nhân viên từ Mục tiêu này đến Mục tiêu khác. Nhưng chỉ trong phạm vi các Mục tiêu mình quản lý.

Chỉ Huy Khu Vực có quyền điều động các nhân viên di chuyển từ Mục tiêu này đến Mục tiêu khác trong phạm vi khu vực mình quản lý.

Quản Lý Nhân Sự có quyền thay mặt Chỉ Huy Khu Vực để điều động các nhân viên di chuyển từ Mục tiêu này đến Mục tiêu khác trong phạm vi khu vực mình quản lý. Tuy nhiên, Quản lý Nhân Sự chỉ thực hiện việc này khi khu vực bị thiếu hoặc vắng mặt Chỉ Huy Khu Vực.

Trưởng Chi Nhánh có quyền điều động các nhân viên di chuyển từ khu vực này đến khu vực khác trong phạm vi chi nhánh mình quản lý.

Giám Đốc Điều Hành hoặc Trưởng Phòng Hành Chính Nhân Sự có quyền điều động các nhân viên di chuyển từ chi nhánh này đến chi nhánh khác trong phạm vi toàn Công ty.

Hình thức điều động nhân viên bảo vệ

Hình thức điều động là dùng lời nói trực tiếp hoặc dùng văn bản. Nếu dùng văn bản thì đó là “Lệnh Điều Động. Công ty khuyến khích hạn chế dùng văn bản, trừ trường hợp đặc biệt.

Đội Trưởng và Chỉ Huy Khu Vực khi điều động là không cần dùng văn bản mà chỉ dùng lời nói trực tiếp. Quản Lý Nhân Sự hoặc Trưởng Chi Nhánh khi điều động thì có thể dùng văn bản hoặc dùng lời nói trực tiếp.

Dù dùng hình thức điều động nào Người Điều Động phải có trách nhiệm thông báo Nhân viên bảo vệ biết rõ về địa điểm nơi chuyển đến, thời gian chuyển đến, những yêu cầu, quy định tại nơi làm việc mới, v.v.

Phải thông báo cho Khách hàng biết

Tùy từng Khách hàng mà các cấp quản lý PMV phải có trách nhiệm thông báo cho khách hàng biết. Nếu khách hàng yêu cầu phải thông báo trước để khách hàng xét duyệt thì phải gửi thông báo trước và chờ xét duyệt. Trong một số trường hợp phải thông báo cho cả khách hàng nơi chuyển đi.

Quản Lý Nhân Sự sẽ là người có trách nhiệm gửi các văn bản thông báo cho khách hàng. Chính vì vậy, khi điều động các Đội Trưởng và Chỉ Huy Khu Vực phải phối hợp với Quản Lý Nhân Sự. Nếu khách hàng yêu cầu kèm theo hồ sơ, chứng chỉ thì Quản Lý Nhân Sự sẽ là người thực hiện công việc này.

Nếu có khách hàng chỉ yêu cầu thông báo bằng lời nói. Khi đó, người nào điều động, người đó có trách nhiệm gọi điện hoặc gặp mặt trực tiếp để thông báo với khách hàng. Nếu để xảy ra khách hàng phàn nàn về việc điều động nhân viên, người nào gây ra, người đó chịu trách nhiệm trước công ty.

QUẢN LÝ ĐIỀU ĐỘNG GIỮA CÁC KHU VỰC / CHI NHÁNH

Khi nhân viên từ chi nhánh /khu vực này chuyển qua chi nhánh/khu vực khác thì Quản Lý Nhân Sự nơi chuyển đi phải có trách nhiệm thông báo cho Quản Lý Nhân Sự nơi chuyển đến. Đồng thời phải cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, trích ngang cho Quản Lý Nhân Sự nơi chuyển đến.

Quản Lý Nhân Sự nơi chuyển đến phải tiếp nhận đầy đủ thông tin, hồ sơ. Tiếp nhận và thực hiện việc quản lý, điều hành nhân sự theo quy chế công ty. Đồng thời phải chủ động thông báo tới khách theo các quy định về điều động Nhân Viên Bảo vệ.

Mượn nhân viên giữa các Chi nhánh / Khu vực

Trong phạm vi quy định về điều động Nhân Viên Bảo vệ. Nhưng thay vì điều chuyển Nhân viên từ khu vực này đến khu vực khác theo diện điều đi luôn. Các Trưởng Chi Nhánh / Chỉ Huy Khu Vực có thể thực hiện hình thức cho nhau mượn. Việc mượn quân này sẽ phải tuân thủ các quy định sau đây:

1). Trưởng Chi Nhánh / Chỉ Huy Khu Vực nơi cho mượn sẽ là người điều động. Trưởng Chi Nhánh / Chỉ Huy Khu Vực nơi mượn sẽ là người tiếp nhận. Việc quản lý, điều hành nhân viên bảo vệ trong thời gian mượn do nơi mượn chịu trách nhiệm.

2). Thời gian mượn bao nhiêu ngày phải nói rõ cho Nhân viên bảo vệ biết. Hết thời gian cho mượn phải trả Nhân viên về lại nơi cũ. Nếu muốn mượn tiếp phải được sự đồng ý của người cho mượn.

Một nhân viên làm việc giữa hai Chi nhánh / Khu vực khác nhau

Trong trường hợp một nhân viên làm việc cùng lúc hai ở Chi nhánh / Khu vực khác nhau. Ví dụ: Sáng làm bên khu A, chiều về làm bên khu B .v.v. Làm việc ở Mục tiêu nào Chi nhánh/Khu vực/Nhân sự ấy có trách nhiệm quản lý, điều hành, đôn đốc. Chi nhánh/Khu vực/Nhân sự chịu trách nhiệm mọi mặt về nhân viên của mình quản lý.

Contact Me on Zalo
0849.95.85.85